Deprecated: Required parameter $title follows optional parameter $res in /home2/joyplayschool/public_html/application/helpers/functions_helper.php on line 551

Deprecated: Required parameter $title follows optional parameter $res in /home2/joyplayschool/public_html/application/helpers/functions_helper.php on line 570

Deprecated: Required parameter $password follows optional parameter $username in /home2/joyplayschool/public_html/application/libraries/Cauth.php on line 97

Deprecated: Required parameter $password follows optional parameter $username in /home2/joyplayschool/public_html/application/libraries/Member.php on line 48

Deprecated: Required parameter $orderBy follows optional parameter $condition in /home2/joyplayschool/public_html/application/models/Common_model.php on line 112

Deprecated: Required parameter $order follows optional parameter $condition in /home2/joyplayschool/public_html/application/models/Common_model.php on line 112

Deprecated: Required parameter $table follows optional parameter $alias in /home2/joyplayschool/public_html/application/models/Common_model.php on line 232

Deprecated: Required parameter $title follows optional parameter $res in /home2/joyplayschool/public_html/application/models/Common_model.php on line 265
JOY PLAY SCHOOL

KIẾN THỨC

Các hoạt động tại gia mùa dịch

Để có thể vượt qua tâm trạng lo lắng và đôi khi chán nản trong mùa dịch này, trường xin gửi đến Ba Mẹ một số gợi ý hoạt động dành cho cả nhà (hoặc từng người) như sau:

  • Hãy luôn dành thời gian cho bản thân mình (cho con thời gian chơi 1 mình trò chơi các con yêu thích, tạo thời gian riêng tư cho Ba/Mẹ/Ông/Bà - người đã dành nhiều thời gian chăm sóc các con)
  • Ngủ đủ giấc
  • Tập luyện một chút thể thao hàng ngày
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân (âm nhạc, hội họa, viết lách, đọc sách, phim ảnh, chăm sóc cây...)
  • Gặp gỡ bạn bè (nhóm nhỏ dưới 10 người :-) )
  • Kết nối với thiên nhiên
  • Tắt điện thoại (tự cho phép mình ngưng cập nhật thông tin một chút)
  • Thiền, yoga
  • Nấu thử các công thức món ăn mới
  • Chơi với thú cưng
  • Các hoạt động yêu thích khác của mình…

 


Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

 

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm, bệnh có khả năng lây lan nhanh từ người này sang người khác và lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Mầm bệnh chính là từ nước bọt, phỏng nước và phân của những người bị nhiễm bệnh do virus đường ruột gây ra.

Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm dưới 3 tuổi. Tay chân miệng là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp tính dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

2. Triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Giai đoạn ủ bệnh: virus sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ và có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày trước khi khởi phát với các triệu chứng rõ rệt.

Giai đoạn khởi phát: trong từ 1 - 2 ngày, ở giai đoạn này bé nhiễm bệnh sẽ có triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy.

Giai đoạn toàn phát: kéo dài trong 3 - 10 ngày với các triệu chứng tiêu biểu của bệnh như:

  • Loét miệng: vết loét đỏ, các vết phỏng nước đường kính từ 2 - 3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi; làm cho trẻ bị đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.
  • Các nốt phát ban dạng phỏng nước: các nốt phát ban này ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Các nốt phát ban sẽ tồn tại trong khoảng 7 ngày và tự biến mất nhưng sẽ để lại vết thâm. Không loét và ít khi bội nhiễm.
  • Sốt nhẹ
  • Nôn

Lưu ý, các trường hợp nhẹ thì trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn trong khoảng từ 8 - 10 ngày. Trường hợp bệnh nặng, nếu trẻ bị sốt cao và nôn nhiều lần sẽ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Các biến chứng này thường xuất hiện từ 2 - 5 ngày của bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

3. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng như thế nào?

Việc chăm sóc bệnh tay chân miệng đúng cách sẽ giúp cho trẻ tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Với những bé bị bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, tức là chỉ có mụn nước và loét miệng thì cha mẹ có thể tự chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Bạn có thể thực hiện theo các bước như sau:

  • Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước mát. Không cho trẻ ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống có vị chua, cay.
  • Chỉ nên cho bé uống thuốc hạ sốt và giảm đau paracetamol. Các loại thuốc còn lại nếu dùng phải do bác sĩ kê đơn. Bổ sung đủ nước cho bé nếu bé sốt cao bị mất nước.
  • Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Ở các vết thương hở ngoài da do phỏng nước để lại nên dùng các loại dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý nếu trẻ làm được.
  • Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ chưa nhiễm bệnh, người lớn khi chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng cũng nên đeo khẩu trang và rửa tay sạch bằng xà phòng để sát khuẩn, tránh lây lan sang những trẻ khác.
  • Quần áo, tã lót hay vật dụng của trẻ bị bệnh cần được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2%. Hoặc có thể luộc qua nước sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
  • Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị nhiễm khuẩn.
  • Theo dõi sát sao tình trạng bệnh của bé để khi có dấu hiệu bất thường có thể ứng biến kịp thời.

Lưu ý: bệnh tay chân miệng trẻ em có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên phát bệnh và virus gây bệnh có thể tồn tại trong phân đến vài tháng sau. Vì vậy khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần chú ý điều này để có biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh sang trẻ khác.

Khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt cao kéo dài từ 48 tiếng trở đi, quấy khóc, nôn nhiều lần, ngủ lịm, run tay chân, hay bị giật mình nhất khi trẻ thức, thở nhanh, mạch nhanh, đi loạng choạng - những dấu hiệu cảnh bảo biến chứng nguy hiểm, cần đưa bé đến bệnh viện ngay để điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

4. Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Do vậy, các bậc cha mẹ có thể phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ bằng những cách sau:

  • Thường xuyên rửa tay chân cho trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là trước và sau khi ăn, đi vệ sinh.
  • Phụ huynh cần đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé. Đặc biệt là lúc thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt hay khăn trải giường của bé.
  • Vệ sinh sạch các vật dụng như đồ chơi, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can sàn nhà.
  • Lau sàn nhà bằng nước lau sàn.

Nếu chẳng may trẻ đã bị bệnh tay chân miệng thì trong khoảng thời gian từ 10 - 14 ngày kể từ ngày phát bệnh cần cách ly những bé bị bệnh tại nhà, không cho bé đến nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người để tránh lây lan. Sử dụng nhà vệ sinh hợp lý, phân hay các chất thải của bệnh nhân cần được thu gom và xử lý đúng cách, không để phát bệnh.

Hy vọng qua bài viết này các bậc phụ huynh đã có thêm kiến thức cơ bản về các dấu hiệu, cách chăm sóc và phòng bệnh tay chân miệng trẻ em. Trong quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, nếu thấy bất cứ dấu hiệu bệnh chuyển nặng nào, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

 


Giáo dục ở Phần Lan và những gợi mở cho cải cách giáo dục ở Việt Nam

 

Phần Lan có cách giảng dạy đặc biệt, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Đội ngũ giáo viên sẽ cố gắng khuyến khích học sinh học tập nhưng nếu học sinh đó không muốn học hoặc không có khả năng học, họ muốn tập trung tìm kiếm một công việc thực tế hơn, giáo viên sẽ không vì thế mà liên tục cho học sinh đó điểm thấp. Một trong những hướng đi mới của hệ thống giáo dục Phần Lan là giảng dạy dựa trên sự kiện, hiện tượng.

Nền giáo dục Phần Lan

Thứ nhất, về chương trình, nội dung giáo dục.

Hệ thống giáo dục của Phần Lan hiện nay bao gồm các chương trình cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và chương trình cho trẻ độ tuổi mầm non (từ 2 – 6 tuổi); chương trình giáo dục cơ bản toàn diện bắt buộc kéo dài chín năm (bắt đầu từ lúc 7 tuổi và kết thúc ở 15 tuổi). Sáu năm đầu tiên, học sinh sẽ được học với một giáo viên duy nhất dạy các môn (trừ các môn năng khiếu), 3 năm cuối cấp sẽ được học theo từng giáo viên bộ môn như: toán, khoa học, kinh tế gia đình,… Sau khi thời gian giáo dục cơ bản 9 năm tại một trường học phổ thông hỗn hợp, học sinh ở độ tuổi 16 có thể chọn tiếp tục học tại trường đại học hoặc theo học một trường dạy nghề, cả hai thường mất ba năm theo học và giáo dục cho người lớn (suốt đời, liên tục). Kể từ khi thực hiện quy trình Bologna, tất cả những người có bằng cử nhân đều đủ điều kiện để nghiên cứu học tập cao hơn (sau đại học).

Phần Lan không có chương trình giáo dục đóng khung. Mọi giáo viên quyết định sách và chương trình giảng dạy. Nội dung giáo dục được thiết kế để có thể tiếp cận với từng học sinh. Mỗi tiết học thường có một trợ lý đặc biệt, theo dõi và giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, nhà trường có những lớp phụ đạo và gia sư kèm cho những học sinh cần cải thiện thành tích, đặc biệt đào tạo những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ. Có 7 kỹ năng mà chương trình giáo dục được Phần Lan đặt mục tiêu xây dựng, trong đó có năng lực về văn hóa, kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ, kinh doanh, “tư duy và học tập để học hỏi”2.

Thứ hai, về phương pháp dạy và học.

Thay vì cơ cấu thành từng bài giảng, giáo viên cho phép học sinh dùng 6 tuần để nghiên cứu về một chủ đề từ nhiều góc độ. Chẳng hạn, chủ đề về dân nhập cư có thể được khám phá từ địa lý (họ đến từ đâu), lịch sử (điều gì đã xảy ra trước đó) và văn hóa (những truyền thống của họ). Các học sinh thường được yêu cầu thể hiện năng lực của họ để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển, tiến hóa, mất việc, ăn kiêng, các vấn đề chính trị, bạo lực, chiến tranh, đạo đức trong thể thao, thực phẩm, tình dục, thuốc và âm nhạc… Những vấn đề đó trải rộng qua nhiều lĩnh vực, chủ đề và thường yêu cầu học sinh phải có nhiều kỹ năng và kiến thức. Nguyên tắc cơ bản của một giáo viên là đối xử với học sinh với thái độ khách quan, công bằng.

Học sinh được nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình thay vì làm bài tập (mỗi học sinh chỉ dành tối đa 30 phút cho bài tập về nhà mỗi ngày). Cứ sau 45 phút học tập, học sinh Phần Lan được nghỉ 15 phút. Các trường đều có một hệ thống bảng điện tử gọi là Wilma, giúp giáo viên, viên chức, bác sỹ, nhà tâm lý học có thể phản hồi về học sinh và liên lạc với phụ huynh. Không có học sinh nào sợ nhận điểm xấu ở Phần Lan. Lớp học là nơi khuyến khích trẻ, không phải nơi răn đe trẻ.

Thứ ba, về các chính sách ưu đãi.

Với hơn 12,2% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục nên ở Phần Lan là một hệ thống giáo dục không thu học phí. Học sinh không phải đóng học phí; không phải chi trả cho những khoản về bữa trưa, các tour du lịch, tham quan bảo tàng, hoạt động ngoại khóa, xe buýt đưa đón nếu nhà cách trường hơn 2 km, sách giáo khoa, tài liệu học tập, máy tính, máy tính bảng… Mọi trẻ em đều đăng ký vào trường gần nhất. Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn đều được tài trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị như nhau.

Thứ tư, giáo viên có vị thế và được coi trọng.

Bắt đầu từ những năm 70 thế kỷ XX, Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của đất nước. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Việc đào tạo giáo viên của Phần Lan rất nghiêm ngặt và chọn lọc. Chỉ có khoảng 10% sinh viên đăng ký được chọn học ngành sư phạm. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sỹ và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Để trở thành giáo viên, họ phải trải qua hai vòng tuyển gắt gao.

Vòng một là một kỳ thi với nhiều ứng sinh tham dự, các khoa chỉ lấy khoảng 10% các thí sinh có kết quả cao nhất từ trên xuống; vòng hai được thực hiện bằng phỏng vấn cá nhân để kiểm tra động cơ, khả năng sáng tạo của thí sinh…

Các giáo sinh Phần Lan được đào tạo không những để trở thành giáo viên (một nghề được tôn trọng nhất trong xã hội) mà còn trở thành những nhà giáo dục. Điều này được thể hiện ngay trong nội dung vòng thi đầu tiên vào các trường. Các thí sinh phải làm bài dựa trên nghiên cứu các tài liệu khoa học và nghề nghiệp được cung cấp trước. Trong chương trình đào tạo của các khoa sư phạm, các môn học thuộc về nghiên cứu là 70 tín chỉ (1 tín chỉ của Phần Lan (ECTS) tương đương từ 25 – 30 giờ làm việc) gồm các môn như: nhập môn nghiên cứu giáo dục; phương pháp nghiên cứu định lượng, phương pháp nghiên cứu định tính…

Tất cả các giáo viên đều tốt nghiệp thạc sỹ và càng ngày càng có nhiều hiệu trưởng và giáo viên có bằng tiến sỹ ở các trường phổ thông. Lương trung bình hằng tháng của giáo viên là 3.500 euro. Tiền lương và danh tiếng của giáo viên cũng không phụ thuộc vào thành tích của học sinh. Chính vì thế, giáo viên sẽ không bị đánh giá qua điểm số của những học sinh mà họ dạy.

Những gợi mở cho cải cách giáo dục ở Việt Nam

Theo kết quả đánh giá từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thực hiện, Việt Nam xếp hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. Có được kết quả này là nhờ một phần ở mức đầu tư cao về giáo dục cũng như văn hóa học tập chăm chỉ của học sinh từ khi còn nhỏ đến độ tuổi 15. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vì vậy, từ những kinh nghiệm của Phần Lan, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp sau đây:

Một là, cần đầu tư có hiệu quả cho giáo dục,vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Ở Việt Nam, đầu tư cho giáo dục luôn được quan tâm và ưu tiên (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế), theo đó chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Mặc dù ngân sách chi lớn nhưng cách làm lại chưa thật hiệu quả. Do đó, giáo dục cần phải được tiếp tục ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong đó cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để tạo sự công bằng trong giáo dục.

Hai là, đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Ở Phần Lan không quá chú trọng đến giảng dạy lý thuyết mà họ tập trung đào tạo những thứ mà người học sẽ sử dụng trong làm việc và cuộc sống như: kỹ năng tư duy, kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ, kỹ năng tự học, kỹ năng phát hiện dấu hiệu của một vấn đề, kỹ năng thích nghi với sự thay đổi…

Từ bài học này, đối với Việt Nam, để tiến hành việc đổi mới, trước tiên chúng ta cần rà soát toàn bộ chương trình giáo dục các cấp để phát hiện những nội dung không còn phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, với chính sách pháp luật hiện hành và xu hướng giáo dục trên thế giới cần bổ sung, sửa đổi nội dung, bảo đảm tính cập nhật của các chương trình đào tạo. Sau đó, đi đến hoàn thiện theo hướng tăng cường tính chuyên sâu, tính ứng dụng, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm được những vấn đề lý luận nền tảng chung và những kỹ năng cần thiết đối với người học. Người học cần được tiếp cận những nội dung phù hợp, dựa trên nhu cầu thực tế đòi hỏi; đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy.

Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy. Ở Phần Lan, giảng dạy dựa trên phương pháp đưa ra các sự kiện, đồng thời phương pháp giảng dạy đối với từng đối tượng khác nhau thì sẽ vận dụng những phương pháp khác nhau (ví dụ đối với học sinh chưa hiểu rõ bài giảng sẽ thiết kế một chương trình giảng dạy riêng cho học sinh đó). Với phương pháp giảng dạy như vậy sẽ tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân, khả năng ghi nhớ, tự suy nghĩ và không phụ thuộc vào tư duy của giáo viên.

Việt Nam cũng sẽ có những đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, trong đó có đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Ví dụ như: tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là tiếng Việt, lịch sử dân tộc, địa lý và văn hóa Việt Nam; tổ chức cho sinh viên, học sinh tham gia công tác xã hội, các hoạt động văn nghệ, thể thao phù hợp với yêu cầu giáo dục toàn diện.

Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin – thời đại công nghệ 4.0, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại khác nhau như: khi dùng phần mềm trình chiếu chúng ta đưa ra các hình ảnh, video 3D về sự kiện có liên quan để bài giảng được sinh động, người học ghi nhớ và tư duy sâu. Mục tiêu cuối cùng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy là giúp cho người học biết được mình đã thu nhận được những kiến thức gì? Và có những kỹ năng gì cần áp dụng để xử lý các vấn đề trong thực tiễn.

Bốn là, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Ưu điểm nổi bật trong giáo dục của Phần Lan là luôn khuyến khích và không ép buộc học sinh học tập, không đặt nặng vấn đề đánh giá kết quả học tập của người học, đặc biệt, việc học lại 1 năm không phải vấn đề lớn của người học. Từ đó, chúng ta cần nhìn nhận lại về đánh giá, bình xét đối với người học hiện nay (nhất là đối với người học có kết quả học lực yếu…). Cần tiếp tục thực hiện để học sinh, sinh viên được đánh giá về thầy, cô giáo, đồng thời cũng cần xem lại các tiêu chí đánh giá do nhà trường, do ngành Giáo dục đưa ra để cải thiện thang, bảng đánh giá.

Năm là, nâng cao chất lượng và vị thế của đội ngũ giáo viên. Trong đó, trọng tâm cần đào tạo sư phạm gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; đồng thời, trong công tác tuyển dụng, cần ưu tiên lựa chọn phương thức tuyển dụng giáo viên giỏi, có tâm, có tầm, có tài và đặc biệt là có đạo đức nghề nghiệp. Từ đó sẽ nâng cao vai trò của giáo viên như giáo viên Phần Lan được trao quyền tự quản – tự quyết hoàn toàn về nội dung được định hướng và phương pháp giảng dạy.

Sáu là, đào tạo bậc đại học cần gắn với sử dụng. Hiện nay, thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm tương đối lớn hoặc nếu có việc cũng không đúng với chuyên ngành mình đã được đào tạo. Chính vì vậy, chúng ta cần có chiến lược trong giáo dục và đào tạo, không ôm đồm về số lượng mà cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Để làm được điều này, Chính phủ cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính phủ với nền kinh tế thị trường nhằm giải quyết hiệu quả quan hệ giữa cung và cầu cho nguồn nhân lực.

Bảy là, xã hội hóa dịch vụ giáo dục. Một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm được nêu rõ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đó là khuyến khích thành lập trường tư thục chất lượng cao. Do đó, Nhà nước cần đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ giáo dục (đất đai, thuế, tín dụng…) khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội./.

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa - Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh
ThS. Vũ Thị Loan – Bộ Nội vụ

 


GIÚP TRẺ EM NÓI LÊN CẢM XÚC

 

Với cuộc sống hàng ngày đang bị thay đổi mà không thể đoán trước được đã làm cho nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất lực và lo lắng về sự phát triển, quá trình học tập, cũng như cảm xúc của con cái họ. Nhưng trên thực tế, chúng ta có thể làm rất nhiều điều để giúp đỡ con cái của mình và cách chính mà chúng ta có thể hỗ trợ chúng là tập trung vào sự phát triển cảm xúc của chúng. Bây giờ, hơn bao giờ hết, điều quan trọng là giúp trẻ em nói lên cảm xúc của chính các em.

Một số gợi ý để có thể tạo môi trường an toàn cho cuộc "đối thoại về cảm xúc" giữa chúng ta với con trẻ

1. Đầu tiên, hãy ĐẶT TÊN CHO CẢM XÚC mà bạn nghĩ rằng con bạn đang thể hiện. Ví dụ, "Có vẻ như Con đang thực sự tức giận / buồn / sợ hãi / lo lắng ngay bây giờ." Xác định và gọi tên cảm xúc của chúng giúp trẻ cảm thấy kiểm soát được nhiều hơn và ít bị cảm xúc lấn át hơn. Hãy cởi mở và đón nhận quan điểm của trẻ, rất có thể sự suy đoán của bạn là không đúng - Con bạn sẽ giúp bạn sửa lại điều đó trong cuộc trò chuyện.

2. Tiếp theo, hãy XÁC THỰC CẢM XÚC mà con bạn đang thể hiện, ngay cả khi chúng không có ý nghĩa với bạn. Ví dụ, “Có phải Con cảm thấy sợ hãi khi nằm trên giường của mình ngay bây giờ. Mặc dù cửa phòng ngủ của con đang mở và Ba đang ở ngay dưới hành lang, nhưng Con vẫn cảm thấy sợ hãi?. Có phải Con cảm thấy sợ khi phải ở một mình vào ban đêm không?”.

3. Sau đó, hãy TÒ MÒ VỀ CẢM XÚC của con và mở rộng cuộc đối thoại. Ví dụ: “Chà, Con thực sự rất tức giận khi phải đi tắm ngay bây giờ. Ba thấy mọi khi Con thường thích tắm. Nhưng hôm nay Ba tự hỏi tại sao lần này Con lại tức giận như vậy? Có thể Con tức giận vì phải ngừng chơi trò chơi điện tử đó để đi tắm. Thật khó khi chúng ta phải ngừng làm điều gì đó thú vị để làm điều gì đó khác, Con nhỉ?”.

4. Cuối cùng, hãy CÙNG CON ĐƯA RA CÁC CÁCH ĐỐI PHÓ. Đối với đứa trẻ đang tỏ ra sợ hãi vì phải ngủ 1 mình (như bên trên), bạn có thể nói, "Hãy cùng nhau suy nghĩ về điều gì có thể giúp Con bớt sợ hãi khi ở trên giường." Đối với những em bé đang giận dữ, bạn có thể lên kế hoạch làm điều gì đó vui vẻ cùng nhau sau khi tắm. Đôi khi, khi cảm xúc của một đứa trẻ vượt quá tầm kiểm soát của chúng, có thể hữu ích nếu để chúng giải tỏa cảm xúc về thể chất bằng cách di chuyển cơ thể một cách an toàn và vui tươi. Một số ví dụ bao gồm:

- Xé hoặc cắt giấy;

- Tô một bức tranh bằng các loại bút màu;

- Ném bóng, đánh khúc côn cầu hoặc bóng tennis, v.v.

- Chơi xếp hình...

Đối với một số trẻ, các hoạt động giúp tâm trí và cơ thể yên tĩnh sẽ hữu ích hơn. Bao gồm:

- Các hoạt động chánh niệm, chẳng hạn như hít thở sâu;

- Tập trung sự chú ý vào các sự kiện tích cực trong quá khứ hoặc tương lai;

- Nghĩ về những điều mà Con cảm thấy biết ơn.

6. Ba mẹ cũng cần tự chăm sóc cho chính mình

Để trẻ em cảm thấy an toàn khi tham gia vào các cuộc đối thoại theo chủ đề cảm xúc, điều quan trọng là chúng ta, những người trưởng thành, cũng cần phải biết tự điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Thông thường, điều đó có nghĩa là trước tiên bạn hãy hít thở sâu để có thể xác định và xác thực những trải nghiệm cảm xúc của bản thân trước khi giúp đỡ con cái. Và nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh trải nghiệm cảm xúc của chính mình, thì đó có thể là tín hiệu cho thấy đã đến lúc tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia trị liệu.

* Lời người dịch: Trong "Kỷ luật tích cực" thì một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi có vấn đề của trẻ em là "Không được người khác thừa nhận cảm xúc". Chúng ta thường nói với trẻ rằng "Không được tức giận" hay "Buồn làm gì" "Tại sao phải khóc như thế hả?" mà không biết rằng những từ ngữ đó vô tình làm xa thêm khoảng cách Cha/Mẹ - Con, Giáo viên - Học sinh. Và đẩy trẻ vào trong tư thế phòng vệ, đối kháng hoặc thu mình với người lớn.

- Tác giả: Tiến sĩ, Jill Leibowitz

- Người dịch: Nguyễn Minh Thành, Thạc sĩ khoa học (MSc), chuyên ngành Tâm lý học Phát triển và Giáo dục